Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phạm Quý Phúc – “bác thợ cả” của Creative Gara

“Những đứa trẻ của tôi dần lớn lên. Và tôi có nhu cầu được giao tiếp với chúng. Những đứa trẻ thành phố thường đủ đầy. Tôi cần cho bọn trẻ biết giá trị của lao động. Thế là tôi mở một cái kho, nơi có đủ cưa, đục khoét bào, đủ mọi nguyên liệu để có thể làm bất cứ thứ gì. Một cái kho đúng nghĩa cho những đứa trẻ và cho cả những bậc cha mẹ như tôi. Tôi gọi đó là Creative Gara” – Phạm Quý Phúc đã bắt đầu như thế khi nói về nghiệp “thợ mộc” và tình yêu con trẻ của mình

Trước khi Creative Gara được đông đảo phụ huynh và trẻ em yêu thích như bây giờ, người ta biết đến Phạm Quý Phúc thông qua xe đạp thăng bằng Babigo. Vì sao anh quyết định làm xe thăng bằng cho trẻ em? 

Đầu tiên, tôi làm sách. Nghề sách giúp tôi hiểu biết nhiều hơn về trẻ em, đặc biệt là quãng thời gian làm về sách STEM (sách về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Bộ sách Tập làm nhà phát minh nảy sinh trong tôi ý tưởng làm ra những món đồ chơi giàu trí tuệ và sức sáng tạo cho trẻ em. 

Nhiều cha mẹ cứ nghĩ phải những món đồ chơi đắt tiền trẻ mới thích. Thực chất, loại đồ chơi gì không quan trọng, quan trọng là cách chơi, có đồ chơi rất đơn giản nhưng lại khiến trí tưởng tượng của trẻ được bay bổng.

Sau sách tôi kinh doanh dược phẩm, ngành dược dạy cho tôi các tiêu chuẩn hóa, tính nhân văn. Trong một lần đi Trung Quốc, tôi thấy đồ chơi được bày bán bạt ngàn. Trong khi đó, Việt Nam gỗ có, lao động có, sao mình không tự làm những món đồ chơi bằng gỗ an toàn. Rồi khi về nhà, thấy lũ trẻ tập đi xe đạp, giống như chúng ta ngày xưa, việc tập đi xe thật không dễ dàng. Trẻ con có mấy thứ tôi thấy rất quan trọng, đó là bơi lội và đạp xe, đây là kỹ năng sinh tồn chứ không chỉ là các môn thể thao hay vui chơi thông thường.

Trong một lần ngồi với anh Long Kids land - nhà phân phối xe thăng bằng Cruzee tại Việt Nam, tôi được biết giá một chiếc xe thăng bằng tốt từ 2-3 triệu, đó là một mức giá khá cao mà tôi nghĩ cha mẹ nào bỏ ra khoản tiền lớn như thế cũng phải suy nghĩ. Sau đó, tôi lên mạng tìm hiểu thì thấy xe thăng bằng có rất nhiều loại, xe sắt có, xe gỗ có.

Với xe thăng bằng, trẻ phải đạp xe, tạo lực đẩy, giữ thăng bằng và định hướng. Ở các nước châu Âu bây giờ, người ta hiếm khi cho trẻ đi xe 3-4 bánh mà chủ yếu cho trẻ tập đi xe thăng bằng 2 bánh. Hai chân luôn luôn chạm đất như hai chân chống nên trẻ hoàn toàn có thể làm chủ tốc độ cũng như an toàn.

Đằng nào cũng có ý định làm đồ chơi gỗ, vậy thì sao không thử làm xe thăng bằng gỗ. Nghĩ là làm, tôi đi các cửa hàng nhặt từng con ốc để xem con ốc nào phù hợp, rồi tìm sơn an toàn, gỗ không formaldehyde. Năm 2015, xe babigo “made in Việt Nam” ra đời và được thị trường đón nhận. Sau đó, tôi còn tham gia tổ chức các giải đua xe thăng bằng cho trẻ em mầm non. Được các bậc phụ huynh và cộng đồng đánh giá cao về Babigo, tôi rất tự hào.

Anh Phạm Quý Phúc, “bác thợ cả” của Creative Gara.

Anh Phạm Quý Phúc, “bác thợ cả” của Creative Gara.

Đã khi nào công việc ở xưởng gỗ gặp khó khăn khiến anh nghĩ tới việc phải từ bỏ? 

Sau nhiều năm đi vào hoạt động, Creative Gara đã trở thành một phần không thể thiếu đối với tôi. Nó là điều ý nghĩa nhất tôi từng làm.

Tôi bắt đầu công việc ở Gara như là một trò chơi thuở bé. Ham chơi hơn ham làm nên tạo được nhiều sản phẩm hay nhưng không đem lại hiệu quả về tài chính. Khó khăn thì nhiều lắm, tìm được một địa điểm rộng rãi và đẹp đẽ trong thành phố chật hẹp là điều không dễ. Không có khuôn mẫu sẵn nên chúng tôi vừa làm vừa mò mẫm. Quá trình tạo sản phẩm, nội dung cũng vất vả. Tạo ra sản phẩm gì cho các con, các con sẽ làm nó như thế nào. Nhiều khi phải làm đi làm lại như một đứa trẻ. Rồi khó khăn về nhân sự. Một công việc vừa đòi hỏi kỹ năng như những người thợ, vừa đòi hỏi phải hiểu biết tâm lý, có thể chơi cùng trẻ không phải người lớn nào cũng làm được. Rồi đầu tư nhà xưởng, thuê mặt bằng cũng khá tốn kém. Có nhiều nhà đầu tư muốn hợp tác cùng tôi, nhưng họ đặt nặng vấn đề lợi nhuận nên tôi chưa quyết định hợp tác cùng ai. Làm cho trẻ em điều quan trọng nhất là phải yêu và hiểu trẻ, tôi muốn được đồng hành cùng những người có chung đam mê và lý tưởng.

Trẻ em thích thú khi được tự tay làm ra những món đồ chơi cho chính mình.

Trẻ em thích thú khi được tự tay làm ra những món đồ chơi cho chính mình.

Khi đến các workshop của Creative Gara, trẻ được làm những gì và học những kỹ năng gì?

Gara là nơi những đứa trẻ đến để thực làm, thực vui chơi và tự do sáng tạo. Các con học được sự kiên nhẫn, kiên trì trong lao động. Chúng được tận mắt chứng kiến những chú thợ mộc cùng các máy móc như máy cưa, máy khoan, máy bào hoạt động. Trẻ sẽ được hướng dẫn để làm ra món đồ mình yêu thích. Nhiều cha mẹ cho biết bình thường trẻ không phải là người kiên nhẫn nhưng đến với Gara, các con có thể ngồi suốt 2 tiếng đồng hồ để làm ra một sản phẩm. Sản phẩm đó có thể không quá đẹp nhưng các con cảm nhận được giá trị của lao động và rất vui vì chính tay mình làm ra. 

Tinh thần yêu lao động và tính sáng tạo là những điều cốt lõi trẻ sẽ học được khi đến với Gara. Nhưng nhiều khi chính các con lại dạy lại cho chúng tôi tính sáng tạo, khiến chúng tôi bay bổng hơn trong công việc.

Những dự án tiếp theo của anh sẽ liên quan đến trẻ em?

Thời gian tới, Creative Gara sẽ đến các trường học nhiều hơn vì các trường có không gian rộng lớn, chúng tôi có thể tiếp cận nhiều trẻ hơn, các em cũng có thể thoải mái sáng tạo hơn. 

Tôi cũng sẽ nghiên cứu để làm thêm về STEM tái chế từ những đồ bỏ đi, dự án này không đem lại kinh tế, nhưng có ý nghĩa cộng đồng.

Có thể, tôi sẽ đầu tư một công ty sản xuất đồ chơi bằng gỗ và sau sẽ phát triển trên các vật liệu khác, tuy nhiên, mục đích của tôi không chỉ là bán đồ chơi mà là bán công cụ. Tôi mong ước gia đình nào cũng sẽ có một gara thu nhỏ. Chỉ cần một bộ hộp dụng cụ, một bức tường hay một góc nào đấy, cha mẹ và các con có thể cùng nhau tạo nên những món đồ chơi, đồ dùng sáng tạo và lý thú.

Thanh Huyền (thực hiện)

Báo Dân Sinh


Tin liên quan