Khởi nghiệp từ một sản phẩm thuần Việt
Tôi biết Phạm Quý Phúc cũng đã gần 20 năm. Phúc hiền lành, thân thiện và ở bất cứ hoàn cảnh, công việc nào, Phúc cũng đều để lại ấn tượng tốt đẹp với đồng nghiệp, đối tác. Phúc bắt đầu nổi tiếng với xe thăng bằng Babigo dành cho trẻ em vào năm 2015. Phúc chia sẻ: “Có lần ngồi với một nhà phân phối xe thăng bằng, tôi được biết một chiếc xe thăng bằng nhập khẩu loại tốt có giá 2-3 triệu đồng, đó là một mức giá khá cao mà không phải ai cũng có điều kiện để mua cho con mình. Sau đó, tôi lên mạng tìm hiểu mới biết xe thăng bằng có rất nhiều công dụng và có thể làm từ nhiều chất liệu như sắt, gỗ...”.
Xe đạp thăng bằng có thể sử dụng cho trẻ em đã biết đi vững từ khoảng 2-3 tuổi. Thiết kế xe có bánh phụ hoặc không có bánh phụ, yêu cầu bé phải tập cách giữ thăng bằng, phối hợp nhịp nhàng giữa tay và chân để không bị ngã. Vì xe thấp, chân bé lúc nào cũng tiếp xúc với mặt đất nên rất an toàn khi sử dụng. Sử dụng xe thăng bằng, khi bé lớn hơn, tập đi xe đạp cũng dễ dàng hơn. Phúc nghĩ, xe tốt như thế phải tìm cách để bé nào cũng có một chiếc. Phúc mày mò thử làm xe thăng bằng gỗ. “Nghĩ là làm, tôi đi các cửa hàng nhặt từng con ốc để xem con ốc nào phù hợp, rồi tìm sơn an toàn, gỗ không formaldehyde. Năm 2015, xe Babigo “made in Vietnam” ra đời, hai con tôi là những "khách hàng" đầu tiên đi thử nghiệm. Nhờ những góp ý của hai con, Babigo dần hoàn thiện và được thị trường đón nhận nhiệt tình nhờ chất lượng và giá rẻ hơn nhiều so với xe ngoại nhập. Sau đó, tôi còn tham gia tổ chức các giải đua xe thăng bằng cho trẻ em lứa tuổi mầm non. Babigo được các bậc cha mẹ và cộng đồng đánh giá cao. Tôi rất tự hào về sản phẩm đầu tay của mình”, Phạm Quý Phúc chia sẻ.
Phạm Quý Phúc và chiếc xe thăng bằng Babigo. Ảnh: HÀ VŨ |
Đến ý tưởng về một không gian sáng tạo cho trẻ em
Thế rồi có nhiều nhà sản xuất, đại lý của hãng nước ngoài tìm đến Phúc đề nghị hợp tác nhưng Phúc từ chối. Anh muốn một sản phẩm hoàn toàn của Việt Nam để phục vụ người Việt Nam. Trong thời gian nghiên cứu để nâng cấp Babigo, Phúc nhận thấy ở Việt Nam nguyên liệu làm mộc rất dễ tìm, có nhiều thợ mộc tay nghề cao mà anh có thể học hỏi. Ban đầu, Phúc mua các dụng cụ đục, cưa, bào... về chỉ để giải trí. Không ngờ khi thấy bố mải mê sáng tạo những sản phẩm từ gỗ, con trai anh tỏ ra rất thích thú, tò mò và cũng muốn làm theo. Vậy là Phúc nghĩ ra ý tưởng thành lập một không gian cho trẻ em phát huy trí sáng tạo. Creative Gara ra đời từ đó. “Creative Gara đơn giản chỉ là gara sáng tạo. Gara của các gia đình ở nước ngoài không chỉ là nơi để xe mà có đủ loại dụng cụ sửa chữa, sáng tạo. Trẻ em nước ngoài vô cùng thích thú sáng tạo với những sản phẩm tự chế hoặc tái chế. Rất nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà chế tạo... thành công vì lớn lên từ gara, phòng lab... để mặc sức thỏa mãn sự sáng tạo của mình. Trí tưởng tượng, những giấc mơ từ thuở nhỏ nếu được nuôi dưỡng tốt sẽ tạo ra những nhà sáng tạo trong tương lai”, Phúc hào hứng trò chuyện với tôi về ý nghĩa của Creative Gara.
Bước chân vào Creative Gara, mùi thơm của gỗ cuốn lấy tôi, ký ức của tuổi thơ tràn về. Hồi bé, cạnh nhà tôi là một xưởng mộc nhỏ, ngày nào tôi cũng sang xin mùn cưa, vỏ bào về nhóm bếp. Mỗi lần sang, tôi mê mải xem bác thợ mộc bào gỗ và tưởng tượng đó là những con sóng. Mỗi con sóng rơi xuống, tấm gỗ sẽ trở nên láng bóng hơn... Rồi từ khúc gỗ xù xì, bác thợ mộc sẽ tạo nên những sản phẩm thật kỳ diệu. Khi tôi đến Creative Gara của Phạm Quý Phúc, nhìn ánh mắt háo hức, ngạc nhiên của nhóm học sinh tiểu học đang tìm hiểu, trải nghiệm làm thợ mộc nhí, tôi như bắt gặp chính mình của ngày xưa, cũng háo hức, tò mò như thế. Với sự hướng dẫn tỉ mỉ của giáo viên, hầu hết các em bắt đầu làm quen với việc cầm cưa xẻ gỗ, cầm búa đóng đinh, say mê, hào hứng lựa chọn từng khúc gỗ rồi tự lên ý tưởng, tự tạo nên sản phẩm của chính mình.
Phạm Quý Phúc tâm sự, may mắn của anh là được trải qua hai ngành nghề: Xuất bản và dược, cả hai ngành nghề đều nhân văn, trang bị cho Phúc nhiều kiến thức, trách nhiệm và sự chỉn chu, thận trọng đến từng chi tiết. Nghề xuất bản giúp Phúc hiểu nhiều hơn về trẻ em, đặc biệt là quãng thời gian làm về sách STEM (sách giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, vật lý, toán học, mỹ thuật...). “Nhiều cha mẹ cứ nghĩ phải những món đồ chơi đắt tiền trẻ mới thích. Đồ chơi bây giờ gần như hoàn hảo nhưng vô tình lại tước mất sự sáng tạo, mày mò tìm hiểu của trẻ. Thực chất, loại đồ chơi gì không quan trọng, quan trọng là cách chơi, có đồ chơi rất đơn giản nhưng lại khiến trí tưởng tượng của trẻ được bay bổng. Ví dụ như trẻ em nước ngoài thường thích chơi các đồ chơi tái chế hơn các loại đồ chơi hiện đại. Điều đó cho trẻ cơ hội được tác động vào vật liệu, hiểu nguyên lý vận động và rèn tư duy logic...”, Phúc nói.
Dạy trẻ tính kiên nhẫn là trân trọng giá trị lao động
Tại xưởng, một số cha mẹ cho tôi biết, bình thường con họ chưa có tính kiên nhẫn, nhưng đến với Creative Gara, các con có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ để hoàn thành sản phẩm. Sản phẩm đó có thể không quá đẹp nhưng các con rất vui vì chính tay mình làm ra. Do đó, Creative Gara đang là điểm đến được nhiều trẻ em Hà Nội yêu thích và các cha mẹ ủng hộ. Vào cuối tuần, xưởng tổ chức các lớp có sẵn chủ đề để trẻ em có thể đăng ký tham gia. Cha mẹ có thể làm mộc cùng con, qua đó có cơ hội trò chuyện, vui chơi, hướng dẫn và chia sẻ niềm vui với con mình. Phạm Quý Phúc cho biết, thời gian tới, Creative Gara sẽ đến các trường học nhiều hơn để tiếp cận nhiều trẻ em hơn. Việc dạy học theo quy trình thiết kế công nghệ tại Creative Gara không chỉ giúp học sinh thực hành kỹ năng như những kỹ sư thực thụ, mà quan trọng hơn còn giúp các em cảm thấy tự tin hơn vào bản thân khi tự giải quyết được những vấn đề phức tạp.
Phúc cho biết sẽ nghiên cứu để làm thêm chương trình giáo dục STEM tái chế từ những đồ bỏ đi, dự án này không đem lại kinh tế nhưng có ý nghĩa cộng đồng. "Tôi mong ước gia đình nào cũng sẽ có một gara thu nhỏ. Chỉ cần một bộ dụng cụ, một bức tường hay một góc nào đấy, cha mẹ và các con có thể cùng nhau tạo nên những món đồ chơi, đồ dùng sáng tạo và lý thú. Thông qua “học mà chơi, chơi mà học”, trẻ em hiểu để làm ra một món đồ chơi vất vả thế nào và từ đó hiểu được giá trị của lao động”, Phúc tâm sự.
Sau hai năm chống đỡ với đại dịch Covid-19, mặc dù khó khăn trước mắt của xưởng còn rất nhiều nhưng Phạm Quý Phúc thực sự hạnh phúc khi chứng kiến sự say mê và háo hức của các em nhỏ tự tay làm ra các sản phẩm, từ đó quyết tâm duy trì xưởng. "Tôi rất hy vọng niềm vui về khoa học, công nghệ, kỹ thuật sẽ kích thích trí tưởng tượng, sáng tạo và tinh thần trách nhiệm của trẻ em. Từ đó, các em có thể kiến tạo tương lai của mình và góp phần kiến tạo tương lai của cộng đồng, của đất nước, hướng tới những điều tốt đẹp", Phúc nói.
Bài và ảnh: HÀ VŨ
Báo Quân Đội Nhân Dân